Chiều 2/10 vừa qua, tại Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (Hòa Lạc, Hà Nội) đã diễn ra Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2024. Trong đó, hội thảo Giáo dục STEM bậc phổ thông ở vùng cao - nông thôn với chủ đề “Vượt khó để đổi mới sáng tạo” thu hút sự chú ý của nhiều khán giả.
Giáo dục STEM miền núi vẫn còn nhiều thách thức
Tham dự hội thảo có chú Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn cùng các chuyên gia thuộc Liên minh STEM; cô Nguyễn Ngọc Thư, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng; cùng các thầy cô là Trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng và các thầy cô giáo dạy STEM tại các trường vùng cao Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, đại diện Ban Biên tập ấn phẩm STEM Plus for Gen Alpha, báo TNTP&NĐ và các đơn vị báo chí, truyền thông...
Chia sẻ trong buổi hội thảo, chú Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia nhấn mạnh: “Hiện nay, phần lớn học sinh ở các tỉnh thành lớn đã tiếp cận với STEM, nhưng với học sinh các tỉnh miền núi vẫn còn hạn chế. Tôi hy vọng hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp giải quyết bài toán khó này”.
Phần thảo luận trong hội thảo, các thầy cô giáo đều đưa ra ý kiến cho rằng vai trò của việc giáo dục STEM tại các trường học vùng cao, nông thôn là vô cùng thiết yếu. Đồng thời, các thầy cô giáo cũng giới thiệu về việc triển khai giáo dục STEM ở địa phương mình.
Gắn STEM với bảo tồn giá trị truyền thống
Tại hội thảo, các thầy cô đại diện cho 6 tỉnh vùng cao đã trình bày 7 bài tham luận về các chủ đề trong giáo dục STEM gồm: Ươm mầm đội tuyển mũi nhọn Robotics tại Cao Bằng (Sở GD& ĐT tỉnh Cao Bằng); Chuyển đổi số và giáo dục STEM tại vùng cao Văn Chấn, Yên Bái; Giáo dục STEM gắn với di sản sống Việt Nam (Phòng GD huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ); Vượt khó đưa học sinh ra thế giới (Trường THCS Hoàng Văn Thụ, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn); Tổ chức ngày hội STEM đoàn kết đổi mới ở huyện nghèo Văn Quan, Lạng Sơn; Gieo hạt giáo dục STEM trên cao nguyên đã Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; Thúc đẩy STEM khu vực Mường Vang, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều bày tỏ tâm huyết của chính quyền địa phương cùng nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc giúp học sinh các cấp tiếp cận tốt nhất với STEM. Trong đó, nổi bật là các sáng kiến ứng dụng STEM vào việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Đây là ý tưởng tuyệt vời giúp các bạn học sinh vừa thực hành STEM, vừa bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống.
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu được mời tham quan các gian hàng trưng bày trong Ngày hội Đổi mới Sáng tạo 2024. Sự kiện ngập tràn “sắc màu công nghệ”, thu hút đông đảo sự quan tâm của nhiều lứa tuổi, đặc biệt là các bạn học sinh.
Là một “fan cứng” của STEM, bạn Nguyễn Nhật Minh (lớp 7US, trường Liên cấp Dạ Hợp, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) rất hào hứng khi được tự tay điều khiển robot: “Chúng tớ thường xuyên học và thực hành STEM ở trường nhưng đây là lần đầu tiên được tham gia một sự kiện về STEM lớn như vậy. Tại đây, tớ được trải nghiệm các hoạt động lập trình và điều khiển robot, giúp nâng cao khả năng sáng tạo và mở rộng chân trời khoa học của bản thân”.
Một số hình ảnh tại ngày hội:
Buổi hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà giáo đến từ các tỉnh vùng cao.
Chú Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phát biểu trong buổi hội thảo.
Nhà giáo Đặng Tuấn Cường, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ về những thành tựu STEM mà nhà trường đã gặt hái được.
Nhà báo Việt Hà giới thiệu về ấn phẩm STEM Plus for Gen Alpha của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng trong hội thảo.
Các bạn thiếu nhi say sưa với mô hình robot.
Bạn Nhật Minh chăm chú “nghiên cứu” ấn phẩm STEM Plus for Gen Alpha.
Phan Thảo – Minh Lý