Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường công tác quản lý, chủ động giúp đỡ, tạo công ăn việc làm để trẻ em, phụ nữ không bị lợi dụng, dụ dỗ tham gia các hoạt động phạm tội hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Sáng 30/7, tại TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Bộ Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2024.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP, cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Từ năm 2013, ngày 30/7 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg, lấy ngày 30/7 là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.
Với chủ đề "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người", sự kiện năm nay được tổ chức nhằm góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người, nhất là mua bán trẻ em.
Theo bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm 2024 nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực toàn diện và tập trung để bảo vệ trẻ em, bao gồm việc giải quyết những rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương, tăng cường khả năng phục hồi và bảo vệ trẻ em.
Mua bán người vẫn là một trong những hoạt động tội phạm mang lại nhiều lợi nhuận nhất, nhắm vào tính dễ tổn thương của con người. Vì thế, cần tiếp tục chung tay cùng nhau trang bị kiến thức, kỹ năng và nâng cao tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến này.
Báo cáo Toàn cầu về Mua bán người gần đây nhất của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã khẳng định một hiện thực đáng buồn rằng: Cứ 3 nạn nhân mua bán người trên thế giới, lại có 1 nạn nhân là trẻ em.
Trẻ em là đối tượng của nhiều hình thức mua bán khác nhau, bao gồm bóc lột lao động, ép buộc phạm tội hoặc ăn xin, mua bán để làm con nuôi bất hợp pháp, bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục trực tuyến.
Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ với 121 nạn nhân, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết.
Tội phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, du lịch, thăm thân hoặc lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt.
Những hành vi này xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em, gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình, gây nên những bất ổn trong xã hội.
Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam luôn coi trọng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, thực hiện thông qua vai trò của người mẹ và gia đình với các hoạt động giáo dục kỹ năng làm cha mẹ; giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; thực hiện chương trình, đề án của Chính phủ để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình, qua đó chăm lo nuôi dạy con tốt… Gần đây là chương trình "Mẹ đỡ đầu" chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Việc lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực, mua bán trẻ em được đầu tư, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, góp phần xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc.
Nhiều mô hình có hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em được nghiên cứu xây dựng, thí điểm và nhân rộng. Tiêu biểu như mô hình Ngôi nhà Bình yên của Trung ương Hội, kể từ khi thành lập năm 2007 đến nay đã tiếp nhận tạm lánh cho hơn 1.700 người, trong đó có 463 nạn nhân mua bán người, gồm 159 nạn nhân là trẻ em.
Bên cạnh đó, các mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình dịch vụ gia đình cũng đã phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ em.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, trong đó rất nhiều nạn nhân là trẻ em, phụ nữ, người chưa thành niên.
Nhận thức rõ sự nguy hiểm của loại tội phạm này, Việt Nam xác định cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế vào "cuộc chiến" phòng, chống tội phạm mua bán người.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, toàn diện về phòng, chống tội phạm mua bán người. Chính phủ đã xây dựng và triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Thủ tướng nhận định thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng còn diễn biến phức tạp; cách thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Trẻ em, người chưa thành niên tiếp tục là mục tiêu mà tội phạm nhắm tới.
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên và kiên trì thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phòng, chống mua bán người cần được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; giải quyết tốt những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, an dân; phát huy hiệu quả vai trò các tổ chức quần chúng để bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhất là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn; nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến tốt với các hình thức phù hợp với từng vùng, miền, đối tượng; chú trọng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và kỹ năng giúp trẻ em, phụ nữ, người yếu thế nhận diện và tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân, không để các đối tượng tội phạm lợi dụng, lôi kéo.
Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cường thời lượng, tần suất, đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền để mỗi người dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ mua bán người từ sớm, từ xa, từ cơ sở; thực hiện quyết liệt các kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng mua bán người.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, chủ động giúp đỡ, giáo dục, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm để trẻ em, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa không bị lợi dụng, dụ dỗ tham gia các hoạt động phạm tội hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, về chế độ, chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc dân tộc ít người, trẻ em mồ côi; triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo nguyên tắc "lấy nạn nhân làm trung tâm".
Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế, nhất là về trao đổi thông tin, xác minh, điều tra các vụ án, truy bắt tội phạm, nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người nói chung và mua bán trẻ em nói riêng.
Phó Thủ tướng đề nghị mỗi người cùng chung sức, đồng lòng, bằng những hành động thiết thực để hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2024.